Dựa vào những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng những quyết sách đúng đắn, chiến lược hợp lý, Bình Dương đã và đang khẳng định là điểm đến đầu tư đáng tin cậy, thân thiện, an toàn, hiệu quả, là “đất lành” đối với nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Mặc dù chịu tác động chung bởi dịch COVID -19 và tình hình thế giới, hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Bình Dương vẫn đạt kết quả rất khả quan, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế trong năm 2023. Tỉnh Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Theo cục thống kê tỉnh Bình Dương, trong 8 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút được 367 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, tăng 58,9% so với cùng kỳ, với tổng số vốn là 3.165,5 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ.
Đầu tư nước ngoài thu hút được 1.208,4 triệu đô la Mỹ; Trong đó, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 68 dự án, tăng 41,7% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 404,1 triệu đô la Mỹ, giảm 77,9% và 28 dự án điều chỉnh vốn, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ, với tổng vốn điều chỉnh là 60,7 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 3,6 lần; số dự án góp vốn, mua cổ phần 89 dự án, giảm 25,2%, với tổng vốn 743,6 triệu đô la Mỹ, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Bình Dương luôn trong top đầu cả nước về thu hút vốn FDI |
Từ kết quả thu hút đầu tư cho thấy, Bình Dương vẫn là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy thời gian qua, nền kinh tế thế giới suy giảm, nhưng với sự nỗ lực của doanh nghiệp và chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh nên dòng vốn FDI vào tỉnh vẫn cao.
Theo các chuyên gia, Bình Dương vào mắt xanh của những nhà đầu tư FDI nhờ những ưu thế nổi bật về vị trí địa lý, quy hoạch hạ tầng đồng bộ cùng chính sách đúng đắn của chính quyền. Tỉnh có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khảo sát, kiểm tra tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh (Ảnh: Trí Dũng-Quốc Chiến) |
Để thu hút đầu tư, Bình Dương hiện đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ. Với quan điểm hạ tầng giao thông đi trước mở đường cho sự đột phá, Bình Dương đã và đang đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết vùng và khu vực.
Hạ tầng hoàn thiện là điểm sáng thu hút đầu tư của Bình Dương (Ảnh: Đình Trọng) |
Cụ thể, để tạo động lực cho sự phát triển liên vùng, Bình Dương đang dồn lực triển khai các dự án như Vành đai 3, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Chơn Thành, cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai, mở rộng Quốc lộ 13, hoàn thiện trục đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Bến Cát – Bàu Bàng…Bên cạnh đó, tỉnh từng bước xây dựng các cầu vượt, giao lộ khác mức để nâng cao năng lực thông hành trên các tuyến đường huyết mạch như: xây dựng nút giao Sóng Thần, xây dựng hầm chui tại nút giao ngã 5 Phước Kiến…
Ngoài ra, do Bình Dương còn được bao bọc bởi 2 con sông, sông Sài Gòn ở phía tây và Sông Đồng Nai ở phía đông, để tạo mạng lưới giao thông liên vùng, tỉnh đã chủ động phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh để đầu tư, chuẩn bị đầu tư và đưa vào quy hoạch các cầu kết nối qua sông tạo mạng lưới giao thông có tính kết nối cao, phục vụ phát triển vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới. Đối với đường thủy nội địa, Bình Dương đầu tư và kêu gọi đầu tư hoàn thiện các đường giao thông kết nối với cảng thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa đảm bảo quy mô theo quy hoạch (cảng An Tây, cảng Thanh An, cảng Thới Hòa…); đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics, các cảng cạn (ICD), các bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa; xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông thông minh tỉnh Bình Dương, chuyển đổi số trong quản lý giao thông vận tải. Đối với đường sắt, tỉnh phấn đấu xây dựng và đưa vào vận hành dự án kéo dài tuyến Đường sắt đô thị số 1 từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng, tạo tiền đề xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị của tỉnh theo quy hoạch, đa dạng hóa phương thức vận tải hành khách công cộng; Kêu gọi nhà đầu tư, đầu tư tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Bàu Bàng đến Cái Mép – Thị Vải. |
Nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2023 – 2025, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã thông qua kế hoạch. Theo đó, kế hoạch tập trung vào 2 mục tiêu: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh doanh, tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp đến với Bình Dương; Tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp |
Trứơc đó, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các sở ngành liên quan cùng các địa phương đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa, rút ngắn thời gian cấp Giấy phép đăng ký doanh nghiệp; Thống kê thủ tục đăng ký doanh nghiệp bị trả lại, chủ động liên hệ hướng dẫn doanh nghiệp; Tăng cường công tác đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Thực hiện minh bạch trong đấu thầu và tăng cường phòng, chống tham nhũng; Hỗ trợ cung cấp hồ sơ hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp; Thực hiện tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động…
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại với doanh nghiệp từ đó sẽ có những chính sách rõ ràng, nhất quán tháo gỡ khó khăn; Chú trọng tới vai trò, tiếng nói của cộng đồng, hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách của tỉnh.
Giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương |
Năm 2023, tỉnh quyết tâm, nỗ lực để đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng PCI. Trước hết, tỉnh không ngừng nâng cao nhận thức và hành động của đội ngũ từ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến công chức, viên chức, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp thiết thực, giải quyết các hạn chế trong thu hút, tiếp nhận đầu tư; trong đó, tập trung cải thiện các chỉ số như: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cải cách hành chính, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào tỉnh, phấn đấu vị trí của Bình Dương trên bảng xếp hạng PCI luôn duy trì trong top đầu cả nước một cách bền vững hơn.
Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn