Việt Nam đã khống chế khá thành công dịch bệnh COVID-19, “lội ngược dòng” với tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia trên thế giới bị COVID-19 gây thiệt hại nặng nề, kinh tế tăng trưởng âm. Trong bối cảnh này, trước xu hướng chuyển dịch đầu tư đến những quốc gia an toàn hơn, Việt Nam đang chuẩn bị mọi điều kiện để nắm bắt cơ hội đón sóng đầu tư FDI.

Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ, chuẩn bị mọi điều kiện để đón sóng đầu tư mới. 
Ảnh minh họa: TTXVN

5 điều kiện tiên quyết để đón sóng đầu tư mới

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS Vũ Tiến Lộc, hiện có nhiều tín hiệu tốt khi 30 nhà đầu tư Nhật Bản xin chuyển dự án về Nhật Bản hoặc sang các nước thì đã có 15 dự án sang Việt Nam. Đặc biệt, Tập đoàn Samsung đến năm 2022 sẽ đưa vào hoạt động trung tâm R&D lớn nhất tại Đông Nam Á, trong khi tập đoàn này đang đóng góp 25% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Về vấn đề thu hút đầu tư của Việt Nam, ông Glenn Hughes – Trưởng đại diện Tập đoàn Logos tại Việt Nam – đánh giá, đặc điểm thu hút đầu tư của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài gồm nhiều yếu tố tổng hoà. Và Việt Nam có thể đi trước các nền kinh tế trong thu hút đầu tư nước ngoài bởi sự kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam đang tạo niềm tin cho nhà đầu tư, là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm gì để đón được sóng đầu tư.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, để thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tiên phải có đất khu công nghiệp (KCN) vì dòng vốn đầu tư chủ yếu đến là các KCN. Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực. Thứ ba, liên quan tới vấn đề năng lượng, Bộ Công Thương đang rà soát lại tổng sơ đồ điện VIII. Trong danh sách mục, nhiều chục tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực này. Thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ. Thứ năm, không ngừng sửa đổi các chính sách. Ví dụ, Luật đầu tư sửa đổi với nhiều chính sách thủ tục rườm rà được cắt giảm và có nhiều ưu đãi hơn rất nhiều.

2 tháng cuối năm: Kiên định với mục tiêu kép để đạt tăng trưởng dương

Chính phủ đã xác định và nỗ lực cao độ để bảo đảm thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, vừa nỗ lực phục hồi, duy trì nhịp độ kinh tế xã hội (KT-XH) trong trạng thái bình thường mới. Việt Nam là một trong những điểm sáng về phát triển KT-XH trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm, đa số các nền kinh tế rơi vào suy thoái. Bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%; dự kiến cả năm đạt 2-3%.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, Việt Nam có thể vươn lên trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong khối ASEAN. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trên 4%, xuất siêu 5 năm liên tiếp, 10 tháng đầu năm 2020 xuất siêu kỷ lục gần 19 tỉ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh không ngừng…

Từ những tín hiệu lạc quan trên, ngày 11.11.2020, Quốc hội đã thống nhất giao chỉ tiêu GDP năm 2021 ở mức tăng trưởng 6% và Việt Nam nỗ lực để đạt mức tăng trưởng trên, song song với việc kìm lạm phát dưới 4%.