Nhiều người mua BĐS quan tâm, liệu giá có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khi mà nguồn cung BĐS đã có dấu hiệu rục rịch trở lại thị trường. Liệu người mua có được hưởng mức giá tốt của sản phẩm trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn?.

BĐS vẫn trên đà tăng giá

Rõ ràng, nguồn cung mới ra thị trường ở thời điểm này không thể khẳng định cho việc giá BĐS sẽ tốt hơn đến với người mua mà dường như chỉ minh chứng cho điều, người mua có thêm sự lựa chọn hơn trên thị trường.

Ghi nhận cho thấy, ở phân khúc căn hộ, giá vẫn có xu hướng tăng so với thời điểm trước Tết mặc dù giao dịch chưa thể hiện rõ nét ở thời điểm này. Cụ thể, tại một dự án tại Q.12 giá chào ra ở hiện tại cao hơn khoảng 4 triệu đồng/m2 so với giá chào trước Tết Nguyên đán. Một dự án căn hộ trung cấp tại Q.2 cũng đưa ra mức giá cao hơn khoảng 8% so với giai đoạn đầu chào bán, cách đó khoảng 6 tháng.

Ở phân khúc nhà phố, tìm hiểu được biết, giá một số dự án đưa ra ở giai đoạn này cao hơn mặt bằng chung trước Tết, mặc dù giao dịch chưa nhiều. Trong khi đất nền, mức độ tăng giá chung có phần chững hơn, chỉ nhích nhẹ hoặc ngang giá so với thời điểm trước Tết. Lý do phân khúc này người mua còn do dự vì giá thực tế đã tăng qua nhiều đợt, các sản phẩm đa số ở mức giá khá cao, vượt khả năng tài chính của những người mua thực.

Cuộc đua nguồn cung bắt đầu, liệu người mua nhà có được hưởng giá cạnh tranh? - Ảnh 1.

Theo báo cáo thị trường BĐS từ Bộ Xây dựng, quý 1/2020 giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019.  Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm nhẹ khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019….Dự báo tình hình này vẫn tiếp diễn trong quý 2 và các quý cuối năm của 2020.

Như vậy, để kì vọng việc giảm giá trong thời gian tới trên thị trường nhà đất là khó diễn ra. Ngay cả khi ở thời điểm này nguồn cung đã dồi dào hơn nhưng mức giá đưa ra thị trường vẫn không giảm so với trước đó. Trong khi một số nhận định cho rằng, bối cảnh nguồn cung bung thị trường nhiều thì mức giá sẽ cạnh tranh nhau để thu hút khách hàng, người mua sẽ có lợi trong câu chuyện này. Thế nhưng, rõ ràng về giá bán mỗi chủ đầu tư có chiến lược riêng, và phụ thuộc vào các yếu tố nội tại, cho nên việc kì vọng giá mềm ở thời điểm này là rất khó.

Thậm chí, theo ghi nhận, một số dự án BĐS chào thị trường ở thời điểm này còn quá cao so với mặt bằng chung của thị trường. Chẳng hạn, hiện một số dự án căn hộ ở Bình Dương đưa ra mức giá cao ngang ngửa, thậm chí nhích hơn các dự án tại khu vực ven Tp.HCM.

Bên cạnh đó, một số dự án rumo giá cao hơn hẳn giá mặt bằng chung để quảng bá về mức độ đẳng cấp của dự án, và tùy diễn biến thị trường để cân bằng lại giá. Ngược lại, một số dự án căn hộ, đất nền đưa ra mức giá rumo thấp nhưng bán với giá cao hẳn so với các dự án lân cận hoặc so với giá thị trường chung.

Đi sâu hơn vào câu chuyện giá cả mà CĐT đưa ra thì có nhiều nguyên nhân khiến giá bán đưa ra có chiều hướng “ngáo”. Tuy nhiên, đứng gốc độ người bán thường đưa ra lý do là “chi phí đầu vào cao nên chi phí bán ra buộc phải cao để bù đắp chi phí”. Và giá cuối cùng đến tay khách hàng thì không thể lường trước được là bao nhiêu.

Trả lời trên báo chí mới đây, chuyên gia Phan Công Chánh cho rằng, “ngáo giá” kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài. Thứ nhất việc thổi giá gây tác động rất lớn tới thị trường. Mức tăng giá quá nhanh trong thời gian ngắn thì hạ tầng không thể theo kịp. Các dự án bền vững phục vụ nhu cầu thực không có. Không có dân ở thì thị trường thứ cấp bế tắc. Thứ 2 những nhà đầu tư có nhu cầu khi thấy giá quá cao họ sẽ bỏ đi tìm thị trường khác tiềm năng hơn. Ngoài ra giá ảo cũng sẽ kéo theo hiện tương đổ xô kiếm lời chứ không quan tâm về lâu dài gây nhiều tác hại cho thị trường, kéo theo giá mặt bằng chung cao, hệ quả lớn. Giá cao trong thời gian dài nhưng không có giao dịch dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư muốn vào nhưng thấy giá cao sẽ bỏ đi. Đây là hình thức đầu cơ nhiều hơn đầu tư dài hạn.

Chính vì thế theo vị chuyên gia này, việc đầu tư ở thời điểm này đòi hỏi sự tính toán ở nhiều góc độ. Nhà đầu tư phải đặt nhiều câu hỏi khác nhau và tự phản biện trước khi ra quyết định “xuống tiền”.