Tại dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho doanh nghiệp (DN) BĐS khó khăn (DN, dự án BĐS phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng…).

Đồng thời tạo điều kiện cho DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra, tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp… Bên cạnh đó, cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS.

Trong dự thảo, Chính phủ yêu cầu kiểm soát hoạt động huy động vốn, bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu của DN kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, tạo điều kiện, không làm cản trở các DN có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh… có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu DN, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN BĐS, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN BĐS, DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, DN phát hành không có tài sản bảo đảm.