Nhật Bản thúc đẩy những công ty lớn tham gia các dự án xây dựng thành phố thông minh thuộc 10 nước ASEAN, dự kiến làn sóng nhà đầu tư vào hạ tầng, BĐS tăng mạnh hơn ở Việt Nam.

Đến Việt Nam tìm kiếm lợi nhuận

Theo ông Masataka “Sam” Yoshida, Tổng giám đốc Recof – công ty tư vấn mua bán – sáp nhập (M&A) cho các doanh nghiệp Nhật Bản, sẽ có làn sóng mạnh mẽ hơn của nhà đầu tư Nhật Bản vào hạ tầng, bất động sản tại Việt Nam, do cuối năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy những công ty lớn tham gia các dự án xây dựng đô thị thông minh ở 26 thành phố tại 10 nước ASEAN, trong đó có Hà Nội, TP.HCM.

Nhật Bản sẽ lập quỹ có tổng trị giá 250 tỷ yên (khoảng 2,4 tỷ USD) để hỗ trợ cho doanh nghiệp nước này tham gia các dự án xây dựng.

Theo Savills Hà Nội, khi đại dịch qua đi, sẽ có một làn sóng đầu tư ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản. Các thương vụ thành công sẽ ở những Dự án đất sạch, pháp lý rõ ràng, các tài sản hoàn thiện đang hoạt động.

Trong số các công ty Nhật Bản, Tập đoàn Tokyu đang tham gia vào một dự án ở tỉnh Bình Dương. Dữ liệu từ Recof cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 13 giao dịch M&A được công bố. Việt Nam đứng thứ 4 trong các quốc gia trên thế giới có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư. Bên cạnh các lĩnh vực quen thuộc như hàng tiêu dùng, những năm gần đây, nhà đầu tư Nhật không ngừng tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực bất động sản.

Mới đây, Công ty Nam Long bán một phần vốn tại Công ty TNHH MTV Paragon Đại Phước cho đối tác Nhật là Niship Nippon Railroad để cùng phát triển Khu đô thị Nam Long Đại Phước, quy mô 45,5 ha tại đảo Đại Phước (Đồng Nai). Tỷ lệ bán vốn cụ thể không được tiết lộ.

Để chốt được thương vụ này, Nam Long Đại Phước có hồ sơ “sạch và sáng” khi đã hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng, đóng tiền sử dụng đất, san lấp đất đến cao độ 2 m, được phê duyệt quy hoạch 1/500 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự án sẽ được Nam Long và Nishi Nippon Railroad phát triển với sản phẩm chủ yếu là biệt thự song lập và đơn lập cao cấp. Dự kiến, Nam Long Đại Phước sẽ giới thiệu ra thị trường trong năm 2022.

Trước đó, Nam Long và Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties Corporation ký hợp tác chiến lược, cùng phát triển khu đô thị tích hợp Izumi City, diện tích 170 ha tại Đồng Nai. Hankyu Hanshin đã cùng Nam Long triển khai 5 dự án trong 5 năm qua và Izumi City là dự án thứ 6. Nam Long cho biết, vốn đầu tư dự án khoảng 18.600 tỷ đồng, đảm bảo sự phát triển dài hạn trong 5 – 10 năm tới.

Cùng với Nam Long, Tập đoàn Danh Khôi cũng bắt tay với 3 đối tác Nhật Bản là Sanei Architecture Planning, G-7 Holdings INC và Anabuki.

Theo đại diện Danh Khôi, các nhà đầu tư Nhật thường nghiên cứu về thị trường, đối tác, khả năng sinh lời của dự án rất chi tiết và chuyên nghiệp trước khi quyết định bắt tay hợp tác. Chỉ những doanh nghiệp được đánh giá cao về năng lực, kinh nghiệm, vốn, quản lý mới được họ chọn lựa. Đối tác Việt Nam đã từng làm việc với công ty Nhật sẽ có nhiều lợi thế hơn trong các thương vụ tiếp theo.

Bà Lê Phương Lan, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc luôn có sẵn vốn rẻ, kinh nghiệm. Nguồn vốn này có xu hướng đổ vào các thị trường mới nổi hoặc thị trường cận biên như Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận. Song, không dễ để một dự án có thể thỏa mãn các yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, khi đã ưng thì khối ngoại luôn dẫn đầu về giá trị thương vụ.

Đa dạng phân khúc đầu tư

Trước đây, nhu cầu M&A của nhà đầu tư Nhật Bản thường nhắm tới dự án ở các khu vực quận trung tâm  những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, quỹ đất tại các khu vực này ngày càng khan hiếm, giá giao dịch đã trở nên quá cao khiến việc đầu tư không còn hiệu quả. Do đó, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển ra những địa phương lân cận, nơi sẽ được quy hoạch thành các khu đô thị thông minh, khu đô thị xanh.

Nhà ở đô thị là phân khúc nhận được đơn đặt hàng nhiều nhất từ các nhà đầu tư. Nhu cầu đối với khu công nghiệp và logistics cũng tăng nhanh trong 1 năm rưỡi trở lại đây. Ngoài ra, các loại bất động sản đã vận hành gồm các tòa văn phòng, căn hộ cho thuê có vị trí đẹp, tình trạng vận hành bảo dưỡng tốt, thời gian sử dụng đất còn dài, luôn là những tài sản đầu tư ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm kiếm dòng tiền dài hạn và ổn định.

Không chỉ nhắm vào các khu đô thị tổ hợp thông minh quy mô lớn,  thời gian qua, Savills vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với phân khúc khách sạn và nghỉ dưỡng, dù phân khúc này đã bị tác động khá lớn do Covid-19. Savills cũng nhận được nhiều đề nghị tư vấn chuyển nhượng từ bên bán.

Đại dịch mang đến cơ hội M&A các khu nghỉ dưỡng đã vận hành, với vị trí đắc địa, dòng tiền quá khứ tốt và giá giao dịch ở mức hợp lý mà trước kia rất khó có thể tìm được người bán.

“Đây cũng là cơ hội để chủ đầu tư các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tái cơ cấu lại dòng tiền và tình hình tài chính của mình. Trong thời gian tới, thị trường có thể sẽ ghi nhận những thương vụ chuyển nhượng lớn trong lĩnh vực khách sạn và nghỉ dưỡng”, đại diện Savills Hà Nội nói.

Một xu hướng khác là sự gia tăng nhu cầu đối với các dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thể thao. Đây là phân khúc mà nhà đầu tư Nhật đang đẩy mạnh vì nhu cầu người dân tăng cao trong đại dịch. Điều này sẽ khiến số lượng giao dịch M&A của các dự án loại này tăng lên không những ở những các thành phố du lịch biển, mà còn tại các vùng lân cận những thành phố lớn và những nơi có thiên nhiên ưu đãi.