Nhiều dự án, phân khúc bất động sản đang gặp những rào cản, vướng mắc lớn, kéo theo nguồn cung sụt giảm, giá tăng. Vấn đề sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường này như Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Đất đai 2013… đang được đặt ra để thúc đẩy phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu – GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp, bất động sản đang gặp nhiều rào cản, vướng mắc ảnh hưởng tới sự phát triển, nguồn cung ra thị trường. Hiện có khoảng 12 luật tác động vào bất động sản, còn liên quan đến thì có tới 60 luật. Thủ tục hành chính về bất động sản vô cùng phức tạp; để một dự án mới hoàn thành cần có tới 36 con dấu. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý lại càng phức tạp hơn, trong đó nhiều quy định thực sự là rào cản lớn.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, hiện nhu cầu sở hữu bất động sản của người dân rất lớn trong khi nguồn cung hạn chế. Đặc biệt, hệ lụy của mất cân bằng cán cân cung – cầu lại do vướng mắc về pháp luật liên quan. Điển hình như quy định phải có 100% đất ở mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại. Có khoảng 400 dự án trên toàn quốc đang bị ách tắc bởi quy định này, do đa phần doanh nghiệp sở hữu các loại đất khác hoặc đất hỗn hợp. Ngoài ra là những vướng mắc, chồng chéo giữa các bộ luật, như giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đấu thầu 2013 về hình thức giao đất sau khi trúng đấu thầu dự án, thời điểm giao đất, định giá đất sau khi trúng đấu thầu…

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng 3 luật: Đất đai 2013, Kinh doanh bất động sản 2014, Nhà ở 2014 là hình tam giác có quan hệ chặt chẽ, tác động và quyết định sự phát triển của thị trường bất động sản nhưng cũng chính 3 luật này đem đến nhiều vướng mắc.

Theo dự kiến, các luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10-2022. Góp ý việc sửa đổi các luật liên quan đến bất động sản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Telin Lê Tuấn Hải kiến nghị, việc sửa đổi cần lấy Luật Đất đai 2013 làm gốc, từ đó sửa các luật liên quan. Trong đó, cần coi bất động sản là một sản phẩm hàng hóa, mua đi bán lại trong xã hội, từ đó giảm càng nhiều thủ tục hành chính càng tốt để việc mua bán được thuận lợi. Các thủ tục hành chính cần phân cấp, phân quyền và càng cụ thể càng tốt để đẩy nhanh, giải quyết nhanh thủ tục hành chính.

Nêu ý kiến về sớm gỡ vướng mắc trong thực hiện bồi thường và hỗ trợ khi thu hồi đất, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia Cấn Văn Lực cho rằng, việc thu hồi đất hiện nay khó thực hiện là do cơ chế chưa thỏa đáng, phương án tính giá đất với mức giá đất 5 năm mới thay đổi 1 lần trong khi thực tế nền kinh tế – xã hội thay đổi rất nhanh. Do đó, cần đẩy nhanh chu kỳ thay đổi giá đất.

Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Doãn Hồng Nhung đề xuất, cần bổ sung các quy định về pháp luật về tiếp cận đất đai và sử dụng đất nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn; linh hoạt quy định về quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị…

Về phía Bộ Xây dựng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, Bộ đang tập trung sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; tăng cường quản lý, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.