Sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân đang tạo “nguồn cung” tiềm năng cho thị trường M&A tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông Vũ Thành Lê, Giám đốc Điều hành LM Capital chia sẻ góc nhìn xung quanh chủ đề này.
Theo ông, yếu tố nào sẽ tạo lực đẩy cho thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới?
Hiện nay, lộ trình cổ phần hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) và thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa vẫn tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, các DNNN còn lại chủ yếu thuộc các ngành có sự điều tiết của Nhà nước sẽ không dễ thực hiện vì hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân, dù quy mô nhỏ, ngày càng chứng tỏ vai trò của mình trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp thường hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (“BĐS”), hạ tầng, hàng tiêu dùng… – những ngành hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, nên có nhu cầu huy động vốn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong tương lai. Thêm đó, sự phát triển nhanh và mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân huy động vốn phát triển, cải thiện quy trình hoạt động phù hợp với quy luật của thị trường. Có tiềm lực về vốn và kinh nghiệm kinh doanh, họ bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển mới bằng việc hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài qua hoạt động M&A.
Như vậy, mức độ sôi động của thị trường M&A đang nghiêng dần về khối doanh nghiệp tư nhân. Vì sao khối này lại có sự trỗi dậy mạnh mẽ như vậy, thưa ông?
Trước tiên, bản thân các doanh nghiệp tư nhân trong nước nhận thấy sự cần thiết phải đột phá về lượng (tăng trưởng quy mô doanh nghiệp) và chất (thay đổi mô hình hoạt động, cách thức quản lý) để duy trì sự cạnh tranh. Khi hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược, họ không chỉ quan tâm đến nguồn tài chính, mà còn rất chú trọng tới giá trị phi tài chính như chuyên môn, công nghệ… mà nhà đầu tư đem lại. Ví dụ, trong lĩnh vực BĐS, trước đây, doanh nghiệp trong nước thường chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài, chứ không có sự kết hợp lâu dài ở mức độ tập đoàn. Nhưng giờ đây, xu hướng đã thay đổi. Các doanh nghiệp trong nước có thế mạnh về sự am hiểu thị trường, xây dựng “BĐS nhà ở”…, còn nhà đầu tư chiến lược sở hữu công nghệ giúp giảm thiểu chi phí, có nhiều kinh nghiệm phát triển phân khúc “BĐS thương mại” mà doanh nghiệp trong nước còn thiếu. Sự hợp tác sẽ đem lại giá trị cộng hưởng bền vững cho các bên. Các doanh nghiệp cũng đã chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần với cấu trúc quản trị độc lập, chuẩn hóa quy trình hoạt động, số liệu được kiểm toán, sẵn sàng cho sự tham gia của nhà đầu tư.
Như vậy, các doanh nghiệp đã chuẩn bị những điều kiện cần để tiếp cận nguồn vốn mới. Với kinh nghiệm tư vấn tài chính lâu năm, theo ông, doanh nghiệp cần chú trọng những yếu tố nào để thành công trong các thương vụ huy động vốn và M&A?
Trước tiên, xin đề cập các yếu tố kỹ thuật. Thứ nhất, thương vụ cần có tính bền vững, quy mô huy động vốn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và ban lãnh đạo. Thứ hai về chi phí, giao dịch phải có chi phí tối ưu và giúp đem lại lợi nhuận hoàn vốn tốt cho dự án. Cuối cùng, doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự và quy mô hoạt động đủ để điều hành, sử dụng hiệu quả nguồn vốn mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc đến yếu tố định tính, như tương thích văn hóa và cộng hưởng, vì những yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự hợp tác lâu dài giữa các bên. Tương thích văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, vì nó quyết định hướng đi, chiến lược và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp cũng như đảm bảo lợi ích xứng đáng cho các bên. Đây là yếu tố rất khó đánh giá, nhưng sẽ bộc lộ rất sớm ngay sau khi nhà đầu tư trở thành cổ đông và tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp.
Vậy tư vấn đứng ở đâu và đóng vai trò như thế nào cho sự thành côngcủa thương vụ cũng như sự bền vững trong hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư?
Tư vấn tài chính đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư, cả về vấn đề kỹ thuật và văn hóa. Các vấn đề kỹ thuật bao gồm cấu trúc giao dịch, tham gia quá trình rà soát tổng thể cho đến hỗ trợ thương thảo hợp đồng pháp lý và hoàn tất giao dịch. Lòng tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư với tư vấn là yếu tố then chốt. Việc xây dựng lòng tin là một quá trình, bắt đầu từ khi tiến hành giao dịch, nhưng chắc chắn sẽ không dừng lại sau khi giao dịch kết thúc, mà sẽ đi cùng với sự phát triển của doanh nghiệp.
Trích từ Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2020 “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” của Báo Đầu tư Việt Nam.