Quỹ Di sản (Heritage Foundation) công bố Chỉ số Tự do Kinh tế thường niên để đánh giá mức độ tự do kinh tế ở 178 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kể từ khi cuộc khảo sát của think tank này bắt đầu được thực hiện từ năm 1995 đến nay, chưa có nền kinh tế nào có quy mô tương đương nâng được mức độ tự do kinh tế nhanh chóng như Việt Nam.

Chỉ số Tự do Kinh tế sử dụng 12 tiêu chí để đo lường mức độ tự do kinh tế. Các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng bao gồm Singapore, New Zealand, Australia và Thụy Sĩ. Trong khi đó, Cuba, Venezuela và Triều Tiên xếp ở những vị trí cuối cùng.

Điểm số gần đây nhất của Việt Nam là 61,7, tăng 2,9 điểm so với năm trước. Điều này đưa Việt Nam vào danh sách nhóm nền kinh tế “tự do kinh tế vừa phải” lần đầu tiên trong lịch sử.

Tạp chí Hoa Kỳ: Việt Nam đã thành công vượt bậc trong việc cải thiện tự do kinh tế!

“Việt Nam đã thành công vượt bậc” – Tạp chí The National Interest của Mỹ nhận định.

Việc Việt Nam đứng thứ 90 trong số 178 nền kinh tế có thể không quá giật gân. Nhưng khi đánh giá triển vọng kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ, điều quan trọng không phải là quốc gia đó hiện đang đứng ở đâu trong bảng xếp hạng, mà là thứ hạng của họ đó đã phát triển như thế nào theo thời gian.

Và ở khía cạnh này, Việt Nam đã thành công vượt bậc. Thời điểm Quỹ Di sản công bố chỉ số  này lần đầu tiên vào năm 1995, Việt Nam chỉ 41,7 điểm. Đến năm 2005, con số này đã tăng lên 48,1 điểm và vào năm 2010 tiếp tục tăng lên 49,8 điểm. Điều đáng chú ý là sự gia tăng đáng kể về tự do kinh tế kể từ năm 2015, khi Việt Nam được chấm 51,7. Kể từ đó, Việt Nam đã ghi thêm 10 điểm nữa để đạt 61,7 điểm hiện nay – tăng 20 điểm kể từ năm 1995!