Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2020, có tới 620 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản,897 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Xây dựng hoàn tất giải thể, tăng tới 159% so với cùng kỳ năm trước.

Trong vòng 8 tháng qua, trung bình mỗi ngày có 6 doanh nghiệp BĐS, xây dựng giải thể

Được biết, lĩnh vực kinh doanh bất động sản không nằm trong nhóm các doanh nghiệp được liệt kê chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi dịch Covid-19, nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể lại tăng với tỷ lệ cao nhất.

Theo đánh giá của các chuyên gia từ cuối năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) đã chững lại, sau đó dịch Covid-19 bùng phát khiến thị trường bị đình trệ nghiêm trọng. Việt Nam cơ bản kiểm soát được đợt dịch đầu và thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Song, dịch Covid-19 tái bùng phát đợt hai vào cuối tháng 7 vừa qua, càng trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh BĐS.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh BĐS là rất lớn, khiến công tác triển khai, mở bán, ra mắt dự án…, của nhiều doanh nghiệp BĐS phải dừng, tạm hoãn hoặc thậm chỉ phải đóng cửa. Dịch Covid-19 bùng phát khiến các nguồn tài chính của khách hàng eo hẹp hơn, họ sẽ tập trung vào việc giữ tiền mặt để ưu tiên những nhu cầu thiết yếu, hạn chế tập trung đi lại và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mua BĐS.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho biết, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động của các doanh nghiệp và giao dịch trên thị trường bất động sản đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại và tạo thêm những thách thức mới đối với lĩnh vực này. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm tới 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng; tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực bất động sản tương đối lớn.

Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho thấy, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn trong nước đều do các doanh nghiệp bất động sản đầu tư và quản lý vận hành giảm sút lên đến gần 90%; phần lớn cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất. Thời gian tới, nếu dịch bệnh thuyên giảm thì khả năng phục hồi tốt nhất cũng đạt khoảng 50% trong năm 2020 và 60 – 70% cho năm 2021.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tập hợp từ các doanh nghiệp để viện dẫn như: hoạt động đầu tư kinh doanh đình trệ; nguồn cầu giảm. Cùng đó, tâm lý chờ đợi, thăm dò thị trường cũng như việc bán hàng “cắt lỗ” của các nhà đầu tư đơn lẻ gia tăng… khiến thị trường càng khó khăn hơn. Cùng với đó, Hiệp hội đã kiến nghị và đề xuất với Chính phủ một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản; đồng thời, phản ảnh một số vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật khi doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Dự báo về thị trường BĐS quý III/2020 và quý IV/2020, nhiều doanh nghiệp BĐS cho rằng, dịch Covid-19 hiện đang diễn biến rất phức tạp. Vì thế, những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường cũng rất khó lường. Với các doanh nghiệp BĐS, vừa trải qua đợt khó khăn, mới hoạt động trở lại sau vài tháng thì tiếp tục gặp dịch bệnh nên sự tổn thất về nhân sự, tài chính sẽ khá lớn.